(TBTCO) – Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng gói hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao cho Ngân hàng Nhà nước NHNN) xây dựng gói tín dụng. ![]() Gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao cần được đưa vào đúng chỗ.
Chủ trương này đã được rất nhiều người dân, doanh nghiệp hưởng ứng và kỳ vọng đây sẽ là lời giải cho bài toán nông nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển NNCNC thì vốn chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết. Không phải có vốn ưu đãi là thành công Hoan nghênh chủ trương này của Chính phủ, GS Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng lưu ý, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC cần được đưa vào đúng chỗ, đó là ưu tiên cho công nghệ ứng dụng, không phải công nghệ trình diễn. “Không phải để DN chỉ làm vài mô hình trình diễn hiện đại kiểu như trồng được cây cà chua trên giàn cho hàng vạn quả; hoặc dưới đất trồng khoai tây, trên trồng cà chua… Đó là thành tựu của các nhà sinh học, nhưng chỉ để chứng tỏ năng lực của khoa học thôi”, GS Nguyễn Lân Dũng nói và nhấn mạnh phải tập trung vào tính ứng dụng của NNCNC. Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN, cơ sở nền tảng để quyết định đầu tư vào NNCNC phải là nhu cầu của thị trường, và chỉ những nông sản có giá trị cao mới có thể ứng dụng trọn gói công nghệ cao vào sản xuất, vì áp dụng công nghệ cao chi phí sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều phương thức canh tác hiện tại. “Phong trào đầu tư vào NNCNC đang trở thành một thứ mốt thời thượng của các doanh nghiệp, không hiểu vì mọi người đang ảo tưởng về tính hiệu quả của lĩnh vực này hay chỉ dựng phương án để nhắm tới gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho NNCNC của Thủ tướng”, ông Nguyễn Duy Hưng bình luận. Để triển khai được sản xuất NNCNC, theo ông Nguyễn Duy Hưng, trước tiên cần có công nghệ cao phù hợp. Tiếp theo đó, nguồn nhân lực để triển khai công nghệ và thị trường tiêu thụ cũng là yếu tố then chốt. Đã có nhiều dự án nông nghiệp triển khai đã thất bại chính vì không thể có đủ nguồn nhân lực. “Và điều kiện cuối cùng mới là vốn. Khi hai yếu tố nói trên khả thi thì việc huy động vốn không hề khó khăn, thậm chí các tổ chức tín dụng còn tranh giành nhau để được cấp tín dụng…. Nếu phong trào NNCNC với suy nghĩ có vốn ưu đãi là sẽ thành công như hiện nay thì e rằng 5 năm tới nợ xấu sẽ chính là đây”. Triển khai cho vay ưu đãi NNCNC không dễ Bên cạnh đó, để triển khai thành công gói tín dụng ưu đãi cho NNCNC cũng còn rất nhiều việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần phải thực hiện. Tại cuộc họp với các bộ ngành về việc triển khai chủ trương này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gợi mở một loạt các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng hiện nay cho NNCNC như cho vay theo chuỗi hay cho vay theo từng công đoạn sản xuất; ngoài doanh nghiệp, các HTX thì các hộ kinh doanh, trang trại có được vay hay không? Đồng thời, hiện nay các quy định cũng chưa rõ về kỳ hạn ngắn, trung, dài hạn cho các lĩnh vực tương ứng, và tỷ lệ các loại kỳ hạn trong gói tín dụng này ra sao, có đảm bảo hạn mức sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn… Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng công việc quan trọng là các bộ, ngành cần “tìm đúng người có nhu cầu vay” khi mà trong những năm qua cả nước chỉ thu hút được hơn 20 doanh nghiệp vào lĩnh vực này và số vốn cũng rất khiêm tốn như báo cáo của NHNN. Nêu ra những vướng mắc khi cho vay NNCNC, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, do quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún; việc cấp giấy chứng nhận NNCNC còn chậm và các ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính,…) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao;… Hiện Chính phủ đã có hành lang pháp lý để thực hiện phát triển NNCNC nhưng để tạo ra khung khổ thống nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao NHNN ban hành Quyết định hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng này. Phó Thủ tướng cũng giao NHNN nghiên cứu việc mở rộng phạm vi tài sản đảm bảo trong lĩnh vực vay vốn NNCNC thế chấp bằng phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản hình thành qua quá trình đầu tư, hay cho vay tín chấp.
|
